Lab Report #3: Karaoke - Nguồn gốc và câu chuyện về nhà phát minh giản dị
Và cùng tìm hiểu thêm những thông tin thú vị về quy trình sản xuất một bản nhạc Karaoke
Tổng quan
1. Nguồn gốc của Karaoke - dàn nhạc trống không
Kara (空) (カラ): sự trống không
Oke (カラオケ, ōkesutora, オーケストラ): phiên âm katakana của từ "orchestra" trong tiếng Nhật, ý chỉ một dàn nhạc
Kara + Oke = Karaoke (dàn nhạc trống không)
Nguồn gốc của cái tên karaoke bắt nguồn vào khoảng những năm 1950, khi nghiệp đoàn nhạc công tổ chức cuộc đình công, buộc các nhà sản xuất phải sử dụng các băng cassete có thu sẵn nhạc để phục vụ cho các buổi biểu diễn. Một người nào đó trong nhóm sản xuất đã nhận xét rằng họ đang thuê “dàn nhạc trống không” cho buổi diễn. Và cũng từ đó cụm từ karaoke bắt đầu được sử dụng - kết hợp giữa kara (trống không trong tiếng Nhật) và oke (phiên âm rút gọn của từ orchestra trong tiếng Nhật, ý chỉ dàn nhạc).
Cụm từ này cũng trở nên phổ biến khi các chương trình âm nhạc qua radio thời bấy giờ không có khả năng thuê các ban nhạc để phục vụ việc đệm hát, mà thay vào đó chỉ có thể sử dụng các bản thu nhạc có sẵn.

2. Daisuke Inoue - Cha đẻ của thiết bị Karaoke hiện đại
2.1. ‘Cậu bé bida’ với niềm đam mê với âm nhạc
Daisuke Inoue (sn. 1940) lớn lên tại Jutsu, một thị trấn nhỏ ở vùng ngoại ô Osaka, Nhật Bản. Gia đình ông vốn kinh doanh một câu lạc bộ bida, nên từ bé ông hay được mọi người gọi với cái tên “cậu bé bida" mặc dù ông không bao giờ chơi bộ môn này.
Tuy nhiên, Inoue chưa bao giờ có ý định kế nghiệp công việc kinh doanh của gia đình, mà sớm phát triển niềm đam mê với âm nhạc. Lên cấp ba, ấn tượng trước phần biểu diễn chào đón học sinh mới của ban nhạc trường (brass band), Inoue bắt đầu học chơi trống - chỉ vì đơn giản ông nghĩ đó là nhạc cụ dễ học và ít tốn công sức nhất. Khoảng thời gian này (cuối thập niên 50) cũng chính là lúc dòng nhạc Modern Jazz bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản. Nên song song với công việc học tập trên lớp, Inoue còn xin vào làm tay trống cho các tụ điểm ca nhạc trên địa bàn.
2.2. Quá trình chế tạo 8 Juke - thiết bị karaoke đầu tiên trên thế giới
Tốt nghiệp trường cấp ba, Inoue chuyển đến sống tại thành phố cảng Kobe, một nơi có đời sống ấm nhạc vô cùng sầm uất, nơi ông có thể thoả mãn đam mê chơi trống của mình. Đam mê là vậy, nhưng Inoue cũng sớm nhận ra rằng bản thân mình sẽ không thể nào một tay trống xuất chúng, đặc biệt là tại một thành phố âm đầy ắp nghệ sĩ tài hoa như Kobe.
Dần dà, ông bắt đầu ngừng chơi trống và chuyển sang chơi keyboard cho quán snack bar - một tụ điểm giải trí đặc trưng của Nhật Bản, nơi các vị thực khách có thể thưởng thức rượu, đồ ăn nhẹ, trò chuyện và hát với ban nhạc sống. Thời gian này, Inoue cũng phát hiện ra một biệt tài của mình đó là ông có thể biến tấu và điều chỉnh cách đệm nhạc của mình sao cho phù hợp với tông giọng của bất kì vị khách nào. Do đó, những quán snack bar có sự xuất hiện của ông đều rất hút khách.
Một ngày nọ, một vị khách quen, đồng thời là chủ tịch của một công ty nhỏ, tìm đến Inoue để nhờ giúp đỡ. Ông chia sẻ rằng mình sắp có một chuyến đi gặp đối tác và ngỏ ý muốn nhờ Inoue thu lại phần nhạc đệm cho các bài hát tủ để ông có thể sử dụng và hát khi giao lưu tại quán rượu. “Daisuke, tôi chỉ có thể hát khi có cậu đệm nhạc. Chỉ cậu mới hiểu được giọng hát của tôi và có thể làm nó khá lên được” - vị khách nói.
Thoả theo yêu cầu của vị khách quen, Inoue thu lại một vài ca khúc yêu thích của vị khách ở tông giọng phù hợp vào một băng cassette. Vài ngày sau, vị khách quay trở lại với một nụ cười niềm nở và ngỏ lời nhờ Inoue thu thêm một vài ca khúc nữa. Đó là thời điểm Inoue nảy ra ý tưởng cho chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới.
Vốn tốt nghiệp từ một trường cấp ba dạy nghề về điện, nên Inoue có thể dễ dàng mường tượng ra thiết bị mà ông muốn sản xuất: một thiết bị gồm có microphone, một bộ loa, và một bộ âm li (máy phát tín hiệu). Ông nhanh chóng tìm đến một người bạn đồng thời là chủ của một cửa hàng bán linh kiện điện tử để nhờ phát triển và sản xuất thiết bị này dựa trên các hướng dẫn của ông.
Năm 1971, Inoue hoàn thành thiết bị này và đặt cho nó cái tên 8 Juke - chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới. Ý nghĩa của cái tên này rất đơn giản: một chiếc hộp phát nhạc (jukebox) có thể chứa tối đa 8 bài hát (giới hạn của những cuộn băng thời bấy giờ)
8 Juke là một đầu đọc băng casette kết nối với loa, microphone và âm ly kết hợp với khe cắm xu từ các máy bán hàng tự động. Quy tắc hoạt động của chiếc máy vô cùng đơn giản: bỏ đồng 100 yên vào mỗi lượt và chiếc máy sẽ phát bản nhạc lựa chọn với khoảng thời gian là 5 phút. Inoue quyết định giới hạn thời gian là 5 phút để tối ưu hoá lợi nhuận. Các bài hát thời đó thường có khoảng thời lượng là ba phút. Do đó, với khoảng thời gian là 5 phút, thì chiếc máy chỉ có thể chơi được một nửa bài thứ hai, và người dùng sẽ nghe thấy một tiếng buzz và yêu cầu bỏ thêm xu nếu muốn hát tiếp.
Có khoảng 11 chiếc máy 8 Juke được sản xuất trong mớ đầu tiên và Inoue nhờ cậy các mối quan hệ của mình để đặt chúng tại các quán snack bar khắp Kobe. Trong khoảng 5 ngày đầu, không một vị khách nào ngó ngàng tới thiết bị của Inoue. Ông bắt đầu nảy ra ý tưởng thuê những người phụ nữ trẻ xinh đẹp đến các quán snack bar và chọn các bài hát với 8 Juke. Sau khi hát được nửa bài, họ sẽ truyền mic qua cho các vị khách - thường là các đấng mày râu đã ngà ngà say - và cứ như vậy khuyến khích họ hát suốt đêm. Với chiến thuật này, những chiếc máy 8 Juke liền trở nên cháy hàng, thậm chí theo đúng nghĩa đen vì một số chiếc máy đã phát cháy vì chập điện do chứa quá nhiều xu.
Tư liệu về karaoke tại Nhật Bản, phần về Daisuke Inoue xuất hiện khoảng từ 10:17 - 12:45
Khi việc buôn bán trở nên thuận lợi, Inoue bắt đầu thuê các nhạc công thu âm nhiều bài hát hơn - thường là các bài hát dân ca Nhật Bản (enka) với chủ đề tình yêu. Khi ca khúc được thu âm xong, Inoue cho người đánh máy lời bài hát và gộp chung chúng với nhau thành các tuyển tập sách nhạc (songbook) mà người dùng có thể vừa đọc vừa hát khi sử dụng thiết bị. Đến khoảng giữa thập niên 70, những chiếc máy 8-Juke bắt đầu phủ sóng các thành phố lớn như Tokyo và Osaka và Inoue mở ra công ty của riêng mình, Crescent, để quản lý công việc kinh doanh.
2.3. Bình yên tuổi già cùng âm nhạc và những chú chó
Tuy nhiên, công việc càng phát triển thì Inoue càng trở nên chán nản. Vốn xuất thân với vai trò của một nhạc công và có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc, ông cảm thấy chán ngắt với công việc kinh doanh. Năm 1993, sau khi trải qua một lần bị suy nhược thần kinh (nervous breakdown), Inoue quyết định nghỉ việc và chuyển lại công việc kinh doanh cho người em vợ và nhận nuôi một chú chó golden retriever tên là Donbei. Và chính chú chó này đã trở thành một người bạn giúp ông dần hồi phục và vượt qua căn bệnh của mình.
Mặc dù được thừa nhận rộng rãi là cha đẻ của chiếc máy karaoke, nhưng Inoue lại không hề đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm của mình. Trên thực tế, bằng sáng chế thiết bị karaoke ngày nay chỉ được cấp duy nhất cho Roberto del Rosario, một thương gia người Philippines, người sáng tạo ra thiết bị karaoke có tên Sing Along System vào năm 1975, 4 năm sau khi chiếc máy 8 Juke đầu tiên được ra đời. Inoue cho rằng bản thân ông không sáng chế gì cả, mà chỉ đơn giản kết hợp lại các thiết bị và công nghệ có sẵn thời bấy giờ. “Gia đình tôi cứ thúc giục tôi đăng ký bằng sáng chế. Nhưng tôi thấy điều đó thật mất thời gian và thậm chí tôi còn phải mất hàng nghìn đô la để chuẩn bị mớ giấy tờ nữa”, ông kể. “Nhưng giờ nhìn lại, thì có lẽ hồi đấy tôi cũng nên bớt chút thời gian"
Trên thực tế, phần lớn số tiền mà Inoue tích góp được không đến từ những chiếc máy karaoke mà lại đến từ một thiết bị không có mấy liên quan tới âm nhạc: máy bắt bọ và gián. Cũng như nhiều thiết bị điện tử khác, những chiếc máy karaoke thường trở nên nóng sau một thời gian hoạt động, và đây là môi trường sống lý tưởng cho các loài bọ và gián (thực tế ngày nay ta gọi những lỗi trên phần mềm là bug cũng bắt nguồn từ chính đặc điểm này). Do đó, để tránh cho bọ và gián làm hỏng những chiếc máy karaoke của mình, Inoue sáng tạo ra một thiết bị sử dụng đồng hồ hẹn giờ để phát ra khí diệt gián không khói. Không những vậy, thiết bị này còn có khả năng … ngừa chuột vì mùi khí toả ra làm chuột đặc biệt khó chịu. Inoue sản xuất và bán được tổng cộng 10,000 thiết bị này.
Ngày nay, ở tuổi 82, Inoue dành phần lớn thời gian ở Hyogo, nơi ông xây dựng một viện dưỡng lão cho chó già và trung tâm huấn luyện chó cứu hộ mà ông tổng hợp lại sau trận động đất Kobe lịch sử năm 1995. Ông coi đây như là một cách để trả ơn Donbei vì đã đồng hành cùng với ông qua khoảng thời gian khó khăn của cuộc đời.
Năm 1999, tạp chí Time của Mỹ tôn vinh Inoue là một trong hơn 20 người Châu Á có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ 20 (bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Gandhi, hay Dalai Lama). Năm 2004, Inoue được Đại học Harvard trao tặng giải Ig Nobel Hoà Bình - một giải thưởng trào phúng thường niên lấy cảm hứng từ giải Nobel để tôn vinh những nghiên cứu và sáng chế “khiến mọi người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ). Ông được tôn vinh nhờ “sáng tạo ra karaoke, qua đó tạo ra một phương pháp mới cho mọi người học cách chịu đựng lẫn nhau"
Daisuke Inoue lên nhận giải Ig Nobel Hoà Bình năm 2004 (1:15:00 - 1:21:00)
Đúng như tên gọi của nó, Ig Nobel là giải thưởng để tôn vinh những nghiên cứu trời ơi đất hỡi và ngộ nghĩnh, có thể kể đơn như các công trình nghiên cứu công dụng của bộ râu trong việc phòng thủ và giảm lực từ cú đấm (2021), dấu hiệu nhận biết người tự kiêu dựa trên lông mày (2020), hay ứng dụng của xe tăng trong việc xử lý những chiếc xe đỗ sai làn (2011),….
3. Quy trình sản xuất một bản nhạc Karaoke
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quá trình sản xuất một bản nhạc karaoke. Có ba công đoạn chính làm nên một bản nhạc karaoke hoàn chỉnh:
Sản xuất nhạc khí (instrumental)
Sản xuất phần lời (lyric)
Sản xuất video âm nhạc phụ hoạ (music video)
3.1. Sản xuất nhạc khí (Instrumental)
Công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất để tạo nên một bản nhạc karaoke, dĩ nhiên, là phần nhạc khí (instrumental). Không khó để chúng ta có thể nhận ra là phần lớn phần lớn các bài hát mà chúng ta có thể tìm thấy tại các quán karaoke đều là sản phẩm phái sinh - sản xuất bởi các đơn vị thứ ba chứ không phải là từ trực tiếp các nghệ sĩ. Nhìn chung, chúng có thể được tổng hợp thành ba loại
Nhạc gốc được tách lời
Nhạc được tái tạo lại bằng các nhạc cụ điện tử (MIDI)
Nhạc được sản xuất lại sát theo bản gốc bằng nhạc cụ thật
3.1.1. Nhạc gốc tách lời
Có thể nhiều bạn không biết nhưng ngay từ ngày xưa thì phần lớn những chiếc máy karaoke đều hỗ trợ tính năng tách lời rồi, tuy nhiên chất lượng thời đó còn nhiều hên xui và đôi khi chúng ta vẫn có thể nghe khá rõ được giọng hát của ca sĩ gốc.
Ngày nay, với sự phát triển và phổ biến của những công nghệ tách lời bằng AI thì chính bạn cũng có thể thực hiện thao tác này vô cùng dễ dàng bằng việc sử dụng một số công cụ như Moises, PhonicMind hay Splitter (BandLab). Hay nếu bạn chưa biết thì chính nền tảng streaming nhạc Apple Music đã cho ra mắt tính năng Sing giúp người dùng có thể tách và tuỳ chỉnh âm lượng của phần lời hát để bạn vừa có thể vừa nghe vừa hát theo các nghệ sĩ yêu thích. Nếu bạn nào chưa biết thì nên thử ngay nhé!
Tính năng Sing trên Apple Music giúp người dùng tuỳ chỉnh âm lượng của phần lời bài hát để có thể trực tiếp hát theo các ca khúc nổi tiếng
3.1.2. Nhạc được tái tạo bằng các nhạc cụ ảo/điện tử (MIDI)
Đây là một phương pháp sản xuất lại các bản nhạc Karaoke đặc biệt phổ biến tại các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Việt Nam. Những ca khúc này không sử dụng bất kì nguyên liệu âm thanh nào từ nguyên tác, mà được tái tạo lại hoàn toàn bằng việc sử dụng các phần mềm làm nhạc và nhạc cụ ảo (MIDI) làm sao cho sát với nguyên tác nhất có thể.
Ví dụ như ở Nhật Bản, có rất nhiều công ty chuyên sản xuất các bản nhạc như này để phục vụ cho hoạt động của các tụ điểm karaoke. Ở những công ty này, nhiệm vụ này sẽ được giao cho các Chuyên viên Sao chép Âm Thanh (Sound Copying Specialist). Do các hãng đĩa hay các đơn vị sản xuất đều rất hiếm khi cho xuất bản các ấn phẩm kí âm bao giờ, nên những chuyên viên này phải dựa hoàn toàn vào cái tai và khả năng âm nhạc của bản thân để có thể phân tích, bóc tách và tái tạo lại các bản nhạc một cách hoàn chỉnh nhất.
Bên cạnh đó, một thách thức khác cho những Chuyên viên Sao chép Âm thanh đó là dung lượng. Một bài hát được phát hành thường có dung lượng khoảng 13 MB, tuy nhiên một bài hát có thể sử dụng cho các thiết bị karaoke phải có dung lượng nhỏ hơn 100 KB. Do đó, họ không thể sử dụng các nhạc cụ chuyên dụng hoặc các bộ tiếng phức tạp được, mà phải tối ưu việc sử dụng keyboard để tái tạo tất cả âm thanh có thể, từ tiếng trống, tiếng đàn guitar, tiếng bộ dây, …v.v. Không chỉ vậy, để bắt kịp với nhu cầu của người dùng sử dụng những ca khúc mới và nổi nhất, nhưng chuyên viên này phải làm việc liên tục, bài hát này nối tiếp bài hát khác. Một ca khúc đơn giản thì đòi hỏi tối thiểu 2 ngày làm việc, còn những bài hát phức tạp hơn thì có thể tốn cả tuần. Qua đó, có thể thấy rằng để có thể sản xuất được một bài karaoke hoàn thiện khó khăn và nhiều thách thức như thế nào.
Quá trình tái tạo và sản xuất lại một bản nhạc karaoke (16:20 - 20:30)
3.1.3 Nhạc được tái tạo bằng các nhạc cụ thật
Một ca khúc được sản xuất bằng MIDI, dù chỉn chu hay hoàn thiện đến mấy, thì ít nhiều có thể vẫn không mang lại cho người hát cảm xúc như một ca khúc sử dụng nhạc cụ thật . Đâu đó trong chúng ta vẫn mong rằng trải nghiệm này có thể thật nhất có thể, được sắm vai làm một ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn tại các tụ điểm nổi tiếng cùng với nhạc sống.
Và Sound Choice là một công ty sản xuất nhạc karaoke mong muốn mang đến cho khách hàng trải nghiệm như vậy. Thành lập vào năm 1987, tại North Carolina (Mỹ), Sound Choice đã và đang là một đơn vị sản xuất nhiều ca khúc Karaoke nhất trên thế giới, với tổng cộng hơn 16,500 bài hát. Không sử dụng nhạc cụ điện tử để mô phỏng lại bài hát gốc, Sound Choice có hẳn một đội ngũ nhạc công chuyên nghiệp để sản xuất nhạc toàn thời gian, sử dụng chính các nhạc cụ thật sự. Và cũng giống với các công ty sản xuất nhạc karaoke bằng MIDI, Sound Choice yêu cầu các ca khúc được sản xuất phải sát với bản gốc nhất có thể, không có bất kì sự biến tấu ngẫu hững nào dù là nhỏ nhất.
Ca khúc Sweet Child O Mine được sản xuất bởi Sound Choice, thậm chí phần guitar solo không thua kém gì bản gốc
Vì số lượng các ca khúc được Sound Choice xuất bản là khổng lồ, nên hầu hết các ca khúc kinh điển hoặc nổi tiếng trong Top 40 đã đều được họ sản xuất hết. Do đó, một thách thức thú vị của Sound Choice là việc dự đoán các ca khúc có tiềm năng trở thành một bản hit trong các quán karaoke để có thể tập trung sản xuất ra thị trường một cách sớm nhất. Đôi khi, việc một ca khúc trở thành hit trên các bảng xếp hạng hay trên radio không đồng nghĩa với việc ca khúc đó sẽ được ưa chuộng tại các quán karaoke. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất thì Sound Choice có thể đánh giá được tiềm năng trở thành hit karaoke của bài hát dựa trên một vài đặc điểm, cụ thể như:
Nhạc đồng quê (lời dễ nhớ và quãng giọng dễ hát)
Nhạc của nghệ sĩ nữ (các vị khách nữ thường sẽ hát nhiều hơn nam, do đó các ca khúc của nghệ sĩ nữ cũng thường được ưa chuộng hơn)
Nhạc song ca nam - nữ (cả khách nam và khách nữ đều có thể hát)
Bên cạnh đó, Sound Choice còn có một website để người dùng bầu chọn các bài hát yêu thích mà họ muốn có cho karaoke và công ty sẽ sản xuất những ca khúc được yêu cầu nhiều nhất. Chính sự chủ động trong việc tìm tòi và sản xuất các bài hát dựa trên yêu cầu của người dùng đã là một trong những yếu tố tạo nên thành công của thương hiệu Sound Choice trong thị trường nhạc karaoke.
Một điều không thể không nhắc tới cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhạc karaoke đó là vấn đề bản quyền. Để có thể đưa một bài hát vào sử dụng, thì Sound Choice bắt buộc phải xin sự đồng thuận từ các đơn vị phát hành (music publisher) và đồng thời chia sẻ lợi nhuận bản quyền (royalty) với họ. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp các nghệ sĩ và đơn vị phát hành đánh giá lợi nhuận từ karaoke là không đáng kể so với công sức họ bỏ ra để làm các thủ tục và do đó không chấp thuận cho việc làm các ca khúc karaoke, tiêu biểu như Bruce Springteen hay Don Henley (thủ lĩnh của nhóm Eagles). Thế nên nếu một ngày bạn ngân nga hát Hotel California tại một quán karaoke thì hãy chú ý rằng bạn đang sử dụng một bản nhạc lậu đấy nhé (vốn cũng khá phổ biến)
Có thể bạn chưa biết
Tại Việt Nam, Trung tâm Cấp phép và Quản lý Bản quyền (RIAV) đã từng có văn bản yêu cầu việc thu phí bản quyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke. Cụ thể, mức phí là 2000 đồng/bài - một mức phí không hề nhỏ nếu xét rằng các đầu máy karaoke trung bình có khoảng 10,000-20,000 ca khúc, khoảng 2,000 - 3,000 trong số đó là thuộc quyền bảo hộ của RIAV
3.2. Sản xuất lời nhạc (Lyrics)
Sau khi phần nhạc khí được hoàn thành thì công đoạn tiếp theo là sản xuất lời nhạc - chuẩn bị những đoạn chữ xuất hiện trên màn hình để người dùng có thể hát theo. Người phụ trách công đoạn này thường được gọi là encoder (tạm dịch là các mã hoá viên). Công việc của họ là nghe nhạc và sao chép lại phần lời. Do không phải ca khúc nào cũng có phần lời chính thức (đặc biệt là thời xưa), nên những mã hoá viên phải dành nhiều thời gian nghe đi nghe lại bản nhạc để sao chép lại lời sao cho chính xác nhất
Tiếp theo, các mã hoá viên sẽ cần phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng để hiển thị phần lời trên màn hình (một công đoạn tương đồng với việc chuẩn bị subtitles cho các bộ phim). Có một số nguyên tắc mà các mã hoá viên phải tuân thủ như giới hạn số từ mỗi dòng (5 - 7) hay giới hạn số dòng được hiển thị trên mỗi màn hình (2 - 4).
Và cuối cùng, các mã hoá viên sẽ phải căn chỉnh thời gian mà phần lời sẽ được hiển thị và bôi đậm (thay đổi màu sắc của từng từ để báo hiệu khi nào từ đó được hát). Để dễ hình dung thì công đoạn này cũng giống như khi các bạn chơi Audition vậy, mỗi khi chuyển từ thì các mã hoá viên sẽ phải ấn cách - chỉ khác là thay vì đúng thời điểm từ đó được phát âm thì họ sẽ cần nhấn khoảng 0.2 hoặc 0.3 giây trước đó.
Công đoạn chuẩn bị lời cho bản nhạc Karaoke (20:40 - 22:40)
3.3. Sản xuất video âm nhạc phụ hoạ (Music Video)
Ngày nay thì thật khó để có thể tưởng tượng việc hát karaoke mà không có các video âm nhạc phụ hoạ. Tuy nhiên, trong những năm đầu, với xuất phát điểm đơn giản là những bản nhạc được thu lại vào băng cassete, cách duy nhất để có thể vừa đọc lời vừa hát karaoke thời bấy giờ là mua tuyển tập những quyển sách nhạc có chứa lời. Chỉ đến khoảng giữa năm 80 và đầu năm 90, các thiết bị karaoke mới được tích hợp đầu đọc đĩa quang (CD+G) với khả năng trình chiếu lời và video phụ hoạ để bổ trợ cho người hát karaoke.
3.3.1. Quá trình sản xuất một video karaoke
Một trong những công ty đi tiên phong cho trào lưu mới này là Pioneer - một cái tên không hề xa lạ với người dùng Việt Nam. Pioneer là một công ty chuyên sản xuất các thiết bị karaoke đến từ Nhật Bản. Ngay từ những năm 1980, Pioneer đã vạch ra chiến lược sản xuất rất nhiều video âm nhạc phụ hoạ cho Karaoke. Lí do rất đơn giản: càng có nhiều video phụ hoạ thì trải nghiệm karaoke của khách hàng sẽ tốt hơn, nhu cầu mua và sử dụng các đầu máy karaoke nhờ đó mà cũng sẽ lớn hơn (dạng mô hình dao cạo và lưỡi dao của Gillete)

Những công ty như Pioneer thường sẽ thuê những đạo diễn trẻ (đôi khi là không chuyên) để giúp họ sản xuất những video âm nhạc. Chi phí rơi vào khoảng 4,200 - 6,000 USD cho mỗi một video vào thời điểm đó. Thoạt nghe thì đây có vẻ là một con số rất lớn, tuy nhiên trên thực tế là chi phí để sản xuất một video từ những máy quay phim 16 mm vào thời điểm đó là không hề rẻ. Do đó, với mức kinh phí như vậy, các đạo diễn phải tìm cách để quay nhiều video với mức chi phí thấp nhất có thể bằng các biện pháp kiểu “cây nhà lá vườn”. Họ sẽ thường thuê người mẫu để đóng các video với chi phí rất rẻ (thậm chí nhiều khi là miễn phí) vì bản thân những người mẫu này muốn có thêm cơ hội tập diễn trước máy quay. Hay họ cũng có thể tận dụng những vật dụng sẵn có trong phần lớn các set quay, như đèn pha của ô tô thay cho hệ thống đèn chiếu sáng đắt tiền. Hay họ cũng sẽ thường xuyên phải tuỳ cơ ứng biến để có thể tận dụng quay video mọi lúc mọi nơi, như đạo diễn trẻ Jim Gerik tranh thủ thời gian đi du lịch tại Mexico để quay liền tù tì 5 video khác nhau.
Với mức kinh phí thấp và quỹ thời gian eo hẹp, thì thật khó để đòi hỏi quá nhiều về tính nghệ thuật của những video âm nhạc cho karaoke. Hay nói thẳng ra là không ít trong số chúng thường được nhận xét là sến súa, vô tri hay hài hước. Tuy nhiên, nếu xét trên một khía cạnh nào đó, thì đây lại là những sản phẩm biểu đạt được góc nhìn chân thực nhất về các sản phẩm âm nhạc. Không tính đến những hạn chế về kinh phí hay quỹ thời gian, thì những đạo diễn hoàn toàn có quyền chủ động trong việc xây dựng nội dung mà không bị chịu sự chi phối của bất kì ai, kể cả là nghệ sĩ hay các nhà sản xuất. Do đó, với mỗi bài hát thì quá trình sản xuất video âm nhạc là hành trình để họ truyền tải lại nội dung của ca khúc dưới góc nhìn của họ. Không chỉ vậy, chúng còn là biểu trưng cho sự biến hoá và tài tuỳ cơ ứng biến của các đạo diện Và do đó, với một bộ phận không nhỏ những người yêu thích karaoke và các nhà sưu tầm thì những video âm nhạc này cũng đặc biệt và có giá trị không thua kém những video âm nhạc chính thức.
Một điều thú vị nữa là chính trải nghiệm sản xuất những video âm nhạc dung dị và mộc mạc này đã là bước đệm quan trọng cho rất nhiều đạo diễn tiềm năng trở nên thành công sau này, có thể kể đến như Paris Barclay (đạo diễn của CSI, Lost, House hay Glee), Jay Roach (đạo diễn Austin Powers, Meet The Parents), hay Jim Gerik và rất nhiều đạo diễn khác đã khẳng định được tên tuổi của mình với các video quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng.
3.3.2. Mô típ của các video karaoke
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng bắt gặp một video karaoke mà nội dung không có một chút gì liên quan gì tới bản nhạc. Bản thân mình thì không thích những trải nghiệm này cho lắm vì mình thích nhìn nghệ sĩ của nguyên tác bởi nó giúp mình dễ nhập vai hơn, tưởng tượng mình là một thành viên của nhóm nhạc Backstreet Boys hay Sơn Tùng MTP.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng đôi khi việc sử dụng những video không hề liên quan này là việc làm hoàn toàn có chủ đích. Mục đích của những video này xét cho cùng vẫn là thêm một chủ đề để các vị khách có thể cùng nhau cười đùa và bàn luận, thay vì chỉ nhìn chằm chằm vào những ca sĩ không chuyên nhút nhát và sợ làm tâm điểm của sự chú ý. Video càng dở, càng hài hước thì đôi khi lại làm cho trải nghiệm của tất cả mọi người được tốt hơn.
Nội dung của các video nhạc karaoke thì cũng khá là phong phú, nhưng nhìn chung thì cũng hay xài đi xài lại những công thức và mô típ như sau (một phần trong số dưới đây đến từ góc nhìn của Brian Raftery - tác giả của cuốn sách Don't Stop Believin’)
Cùng nhau đi khắp thế gian: mô típ được sử dụng thường xuyên nhất. Hình ảnh thường thấy là một cặp đôi uyên ương tay trong tay cùng nhau soải bước tham quan và nhìn ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên (50% là biển, 20% là sông hồ và 30% là các địa điểm khác)
Chúng mình tình bể bình: vẫn là một cặp đôi uyên ương nhưng thay vì đi loăng quăng thì họ sẽ làm những hành động mùi mẫn với nhau (tất nhiên là vẫn phải đảm bảo sự trong sáng phù hợp cho trẻ em)
Trai “cờ đỏ" (F*** boy): nội dung chỉ đơn giản là những chàng trai tóc vuốt keo, đầu bóng lộn flex sự giàu sang và thành đạt của bản thân
“Em lên xe anh đèo": vẫn là những chàng trai vô cùng thành đạt và hấp dẫn ở trên, nhưng nay được bổ sung thêm kĩ năng bắt chuyện với những cô gái trên đường và mời họ lên những chiếc xe phân phối lớn của họ để đi tìm những địa điểm thú vị hay đơn giản chỉ là flex sự giàu sang hoặc thú vui tốc độ của mình (nhìn chung là một dạng kết hợp của kiểu 1 và kiểu 3)
Cảnh phim: cho đỡ phải mất công quay. Không nhất thiết phải dùng phim liên quan đến bài hát
Bên cạnh đó thì còn một số đặc sản của karaoke Việt Nam như:
Hoa: hoa và rất nhiều hoa. Hoa zoom xa. Hoa zoom gần. Hoa slow motion. Một bông hoa. Một chùm hoa. Một vườn hoa, ..v..v
Thiên nhiên: tưởng tượng như bạn đang xem chương trình Discovery Channel khi hát karaoke vậy, đơn giản chỉ có vậy.
Danh lam thắng cảnh: cũng là một dạng video thiên nhiên khác nhưng bạn có thể nhận ra được những địa điểm quen thuộc này.
Các bạn đóng góp thêm nếu còn có những chủ đề video karaoke nào khác nữa nhé
4. Karaoke vòng quanh thế giới
4.1. Nhật Bản
Khởi nguồn cho Karaoke tại Nhật Bản bắt đầu từ những chương trình âm nhạc và tìm kiếm tài năng âm nhạc phủ sóng các kênh truyền hình vào những năm 1960 và đầu 1970. Vào thời kì hoàng kim này, việc các chương trình âm nhạc chiếm 40% rating lượt xem không phải là chuyện hiếm. Bên cạnh một số chương trình là nơi xuất hiện của những nghệ sĩ nổi tiếng, thì cũng dành cho các giọng ca nghiệp dư và bán chuyên mà bất kì ai cũng có thể tham gia.
Sự nổi tiếng của những chương trình này là lí do khiến rất nhiều người Nhật mong muốn con em của họ có thể hát được như những danh ca. Chính những chương trình này cũng góp phần lan truyền cảm hứng cho nhiều người Nhật Bản về tinh thần ‘isshou kenmei ni yatta’ - hay tạm dịch là tinh thần “thử sức cho biết xem sao” hay “bạn có thể làm được” - biểu trưng cho tinh thần tự cường và quật khởi đã giúp kéo Nhật Bản khỏi tàn dư của cuộc Thế chiến thứ 2 và bước vào thời kì phát triển rực rỡ.
Bên cạnh đó, việc hát karaoke còn đặc biệt phù hợp với một số đức tính của người dân Nhật Bản như chăm chỉ, kiên trì, kỷ luật và cả sự theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Việc có thể hát được một ca khúc một cách hoàn hảo, vừa hay lại vừa đúng lời, là niềm tự hào của rất nhiều người Nhật. Không chỉ vậy, với một xã hội đầy nghiêm túc và trật tự như Nhật Bản thì những khi hát karaoke lại là khoảng thời gian hiếm hoi mà những người nhật có thể thực sự tận hưởng, xả vai, và sống thật với chính mình.
4.2. Philippines
Trong cuốn sách Karaoke: The Global Phenomenon, bộ đôi tác giả Xun Zhou và Francesca Tarocco ví von rằng: nếu karaoke đối với người Hàn Quốc là một môn thể thao quốc dân, thì với người Philippines, karaoke là niềm tự hào của dân tộc.
Quả thật là khó có một quốc gia nào có thể đọ lại Philippines và niềm đam mê karaoke mãnh liệt của họ. Ở đất nước có dân số hơn 113 triệu này, karaoke được ưa chuộng tới mức gần như gia đình nào cũng sở hữu cho mình một đầu máy karaoke. Thậm chí, có những gia đình đến nhà vệ sinh riêng còn không có, nhưng nhất định phải có một đầu máy karaoke
Đối với một quốc gia có sự phân hoá giàu nghèo nặng như Philippines, nơi mà gần 1 / 3 người dân vẫn sống dưới múc nghèo khổ, thì karaoke là một trong những cách duy nhất giúp người Philippines thư giãn và giải toả căng thẳng trong cuộc sống. Thậm chí, ngay tại những nhà tù ở quốc gia này thì cũng không thể thiếu được sự hiện diện của những một đầu máy karaoke, được sử dụng với mục đích để giúp các phạm nhân giao lưu và giải trí
Cũng giống Nhật Bản, ở Philippines có rất nhiều các cuộc thi âm nhạc, bao gồm cả những chương trình tự phát tại địa phương hoặc những chương trình truyền hình với hàng triệu người xem. Tuy nhiên, khác với người Nhật, thì đối với rất nhiều người Phillipines, việc đi hát có thể mang đến cơ hội đổi đời cũng như khả năng chăm lo cho gia đình của họ. Vì vậy, ngay từ khi còn bé, thì trẻ em Philippines đã được tiếp xúc rất nhiều với âm nhạc
Ai cũng nghĩ họ hát hay, cho tới khi họ gặp một đứa trẻ 6 tuổi đến từ Philippines
Tuy nhiên, sự đam mê cuồng nhiệt với karaoke của đất nước ngàn đảo này đôi khi cũng kéo tới nhiều hệ luỵ tiêu cực. Cũng giống như Việt Nam, người Philippines không hề xa lạ gì với những cuộc ẩu đả hay thậm chí mâu thuẫn chết người liên quan tới karaoke. Thậm chí, hiện tượng này ở Philippines diễn ra nhiều đến nỗi tạp chí New York Times còn gọi với một cái tên mỹ miều đó là “My Ways Killings" - ý chỉ những vụ giết người bắt nguồn từ các xích mích liên quan tới việc hát bài hát “My Way" của Frank Sinatra tại các địa điểm karaoke ở Phillipines. Cho tới năm 2022, ước tính đã có khoảng 12 vụ giết người liên quan tới bài hát này. Có nhiều lí giải cho hiện tượng này. Người thì cho rằng đó đơn giản là do xích mích tích tụ lâu ngày liên quan tới việc hát karaoke tại nhà, qua đó dẫn tới các cuộc ẩu đả. Và vì bài hát này quá đỗi nổi tiếng với người Philippines nên vô hình chung laị hay bị quy là nguồn cơn của những xích mích này. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng lời bài hát với chủ đề về lòng tự tôn và sự kiêu hãnh này (với những ca từ như “Tôi đối mặt với tất cả, đứng hiên ngang, và làm theo cách riêng của tôi) có thể đã khơi gợi và thúc đẩy các hành vi bạo lực
4.3. Mỹ
Bắt đầu được du nhập vào Mỹ những năm 1980, nhưng karaoke không thật sự được đón nhận trong những năm đầu. Phải mãi đến những năm cuối của thập niên 90 và đầu thập niên 2000, thì karaoke mới thật sự được người Mỹ đón nhận.
Để lí giải cho hiện tượng này, dưới đây là những nhận định của Brian Rafter, một chuyên gia về karaoke, đồng thời là tác giả của cuốn sách chuyên về karaoke “Don't Stop Believin'” (cuốn sách được mình tham khảo rất nhiều cho bài viết). Mình sẽ lược dịch lại những ý chính
4.3.1. Làn sóng âm nhạc teen-pop
Khoảng từ năm 1999 đến 2002 là thời kỳ hoàng kim của làn sóng âm nhạc teen-pop tại Mỹ, với những cái tên nổi bật mà phần đông khán giả đại chúng đều nằm lòng như Backstreet Boys, Britney Spears, *NSYNC, O-Town, hay Christina Aguilera. Điểm chung của âm nhạc thời kỳ này đó là chúng đều có cấu trúc giai điệu có phần đơn giản nhưng đổi lại là khả năng gây nghiện rất cao. “Chúng đều là những bài hát có ba hợp âm mà ai cũng có thể hát được", một chuyên gia trong lĩnh vực karaoke từng nhận định.
Tiêu biểu như ca khúc “I Want It That Way" của Backstreet Boys - một bài hát không thể thiếu trong bất kì buổi karaoke nào của thế hệ mình. Bài hát này nổi tiếng đến nỗi rất nhiều người trong chúng ta bỏ qua một sự thật là lời bài hát vô cùng kỳ cục và tối nghĩa. Nó hội tụ tất cả những yếu tố để làm nên một bài hit karaoke: lời dễ thuộc, giai điệu dễ nhớ, quãng giọng ngắn phù hợp cho cả nam và nữ để ai cũng có thể hát theo được.
Thời kì này cũng đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm của một bộ phận khán giả Mỹ rằng việc sở hữu một chất giọng đặc biệt là yếu tố tiên quyết để trở thành ca sĩ. Ví dụ như Jessica Simpson, một thần tượng của giới trẻ thời này. Cô không hề sở hữu một giọng hát đặc sắc, thậm chí còn hay bị các nhà phê bình nhận xét là sến, một màu hay như người máy. Thế nhưng, tất cả những nhận xét này đều không hề ảnh hưởng gì tới fan hâm mộ của cô. Chính tính cách và con người của nữ ca sĩ này, chứ không phải là giọng ca thiên phú, mới là yếu tố thu hút họ. Hơn nữa, Jessica Simpson cũng làm cho khán giả thấy việc ca hát thật nhẹ nhàng và vui vẻ, góp phần làm nguồn cảm hứng cho rất nhiều người thử sức mình với ca hát.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như dân số trẻ (31 triệu trẻ thành niên ở Mỹ năm 2000), được tiếp cận nhiều với công nghệ, cùng với việc công nghệ karaoke phát triển (tích hợp video âm nhạc, đầu máy trở nên nhỏ gọn và rẻ hơn, …v.v.) cũng là những yếu tố giúp kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí karaoke
4.3.2. Cơn sốt thần tượng “American Idol"
Ngày 4 tháng 9 năm 2002, đêm chung kết mùa 1 của chương trình American Idol thu hút gần 23 triệu khán giả theo dõi trực tiếp. Thành công của chương trình tìm kiếm tài năng American Idol là một hiện tượng đánh dấu một bước chuyển mình các chương trình thực tế tại Mỹ: thay thế các chương trình đầy drama và mùi kịch bản bằng sự xuất hiện của những con người với xuất thân rất đỗi bình thường.

Ở American Idol, chúng ta có thể thấy các thí sinh đến từ bất kì độ tuổi hay ngành nghề nào. Họ là những người phục vụ bàn, viên chức, nhân viên văn phòng, …v.v nhưng đều đến chương trình với một mục đích chung là để trở thành thần tượng. “Nếu cô ấy làm được, thì mình cũng có thể làm được, miễn là mình thử sức hết mình" - ắt hẳn không ít bộ phận khán giả đã có suy nghĩ như vậy và được truyền cảm hứng khi chứng kiến Kelly Clarkson, một cô gái có giọng nói đặc sệt ngữ điệu địa phương, trở thành thần tưởng của giới trẻ chỉ sau một đêm.
Với khán giả trẻ, những chương trình tìm kiếm tài năng như American Idol mang đến cho họ hoài bão và ước mơ trở thành người nổi tiếng. Còn đối với những khán giả lớn tuổi, việc chứng kiến những đứa trẻ thể hiện những ca khúc 40 năm tuổi từ thế hệ của họ với một niềm đam mê mãnh liệt cũng giúp đánh thức niềm đam mê âm nhạc và ca hát trong con người họ. Chiến những yếu tố đánh vào cảm xúc này đã làm nên thành công của chương trình American Idol, đồng thời kéo theo sự bùng nổ của những loại hình giải trí qua âm nhạc và ca hát như Karaoke.
4.4. Việt Nam
Karaoke chỉ thật sự bắt đầu được du nhập vào Việt Nam vào những năm cuối của thập niên 90, khi mà văn hoá Mỹ u bắt đầu tạo nên ảnh hưởng sâu rộng sau thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập. Vào thời điểm đó, đài truyền hình Việt Nam VTV và kênh giải trí VTV3 bắt đầu cho phát sóng các chương trình giờ trưa dạy khán giả hát karaoke, phần nhiều sử dụng các bài hát từ các nghệ sĩ u Mỹ. Các trích đoạn từ kênh truyền hình dành riêng cho âm nhạc, MTV, cũng được trình chiếu trong các chương trình này cùng với video âm nhạc và lời. Sự xuất hiện của những chương trình này đã giúp phổ biến cho đại đa số khán giả Việt Nam về hình thức giải trí mới mẻ này.
Thời kì đầu mới du nhập, Karaoke được coi là một hình thức giải trí xa xỉ, một dạng dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, theo thời gian, loại hìnn giải trí này ngày càng trở nên phổ biến và có giá thành hợp lý hơn, kéo theo đó là sự phát triển của rất nhiều loại hình karaoke đa dạng: từ hàng quán đến các đầu máy tại gia hay gần đây nhất là các thiết bị cá nhân (điện thoại thông minh, loa kéo, ..v.v.).
Không chỉ là một hình thức giải trí, karaoke là một công cụ rất hữu hiệu để cho người Việt chúng ta có thể kết nối và trở nên thân thiết với nhau hơn. Chúng ta có thể đi karaoke với bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là cả người xa lạ. Nếu các bạn còn nhớ thì VCCorp (đơn vị đứng sau kênh truyền thông Kenh14) từng phát triển một mạng xã hội và cộng đồng cho người yêu nhạc rất thành công là sannhac.com. Trước thời kì của YouTube hay TikTok thì đây chính là sân chơi của những người đam mê ca hát thoả sức thể hiện tài năng của mình. Với sản nhạc, họ có thể trực tiếp hát karaoke những bài hát yêu thích, chia sẻ với cộng đồng và giao lưu với các thành viên khác. Vào thời kì hoàng kim, Sàn nhạc có hơn 200,000 thành viên, với thư viện bài ahts hơn 30,000 bài - đều là những minh chứng cho thấy người Việt đam mê ca hát đến như nào.
Fun Fact: chị họ mình quen chồng tương lai chính từ sannhac. Hai người vốn là một cặp đôi song ca rất ăn ý trên sannhac và cũng bắt đầu quen nhau từ đó
5. Các dấu mốc phát triển của Karaoke
Bài viết tham khảo và tổng hợp từ nhiều nguồn
Sách
Zhou, X., Tarocco, F. (2007). Karaoke: The Global Phenomenon: A Global Phenomenon
Raftery, B. (2008). Don't Stop Believin': How Karaoke Conquered the World and Changed My Life
Bài báo
https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Thu-phi-ban-quyen-karaoke-Lam-sao-hop-ly-hop-tinh-i428704/
https://www.karaoke.or.jp/03nenpyo/03_02.php (Hiệp hội Kinh doanh Karaoke Quốc gia Nhật Bản)
https://www.scmp.com/lifestyle/entertainment/article/3096290/he-invented-karaoke-saw-it-take-then-walked-away-daisuke?module=perpetual_scroll_0&pgtype=article&campaign=3096290
https://vnexpress.net/nguoi-day-the-gioi-hat-karaoke-4413422.html
https://www.nippon.com/en/japan-topics/g01173/
Video
Japanology