Lab Report #6: Vevo và sự biến mất của một tượng đài
Từng là một cái tên quen thuộc với người yêu nhạc, vì đâu mà giờ đây chúng ta không còn hay bắt gặp cái tên này như trước nữa?
Với những người thuộc thế hệ 8x, 9x thì ắt hẳn Vevo là cái tên không hề xa lạ. Vevo (viết tắt của “Video Evolution” - tạm dịch là Cuộc cách mạng hoá video) là một dịch vụ lưu trữ và phát hành video âm nhạc. Thực chất, đây là một liên doanh giữa ba hãng đĩa lớn nhất thế giới (Big 3) bao gồm Universal Music Group (UMG), Sony Music Entertainment (SME), và sau này là Warner Music Group (WMG). Dù giờ đây dịch vụ này không còn xuất hiện nhiều như trước nữa nhưng phần lớn (phải 80-90%) các video âm nhạc mà chúng ta có thể tìm thấy trên YouTube đều được phát hành bởi Vevo.
Quay trở lại thời điểm những năm trước 2009, việc tìm nghe nhạc và các video âm nhạc còn rất nhiều khó khăn. Chúng ta vẫn có thể tìm thấy các video âm nhạc trên các dịch vụ chia sẻ video như YouTube (vẫn còn mới) nhưng phần lớn chúng đều được người dùng tự đăng tải lại chứ không đến từ chính nghệ sĩ. Do đó, các video này thường không đồng nhất và có chất lượng thấp. Hay đối với một đứa mê nhạc như mình thì các trang web cho thành viên (phải được mời) tải video âm nhạc chất lượng HD là một phần không thể thiếu.
Thế rồi, vào một ngày cuối năm 2009, cái tên Vevo bắt đầu xuất hiện liên tục trên các kết quả tìm kiếm. Những video âm nhạc triệu view do người dùng tự đăng tải trước đây cũng đồng loạt biến mất một cách khó hiểu, mà thay vào đó là các video mới được đăng tải qua các kênh YouTube đều với đuôi Vevo (JustinBieberVevo, NickiMinajVevo, KatyPerryVevo). Bên cạnh đó, các video âm nhạc này đều có chất lượng rất tốt, độ phân giải 720p hay thậm chí cả 1080p. Điều này diễn ra với không chỉ một, hay hai, hay ba video mà gần như tất cả các video âm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ đều được đăng tải lại với cùng một công thức này. Khỏi phải nói, người hưởng lợi nhất vẫn là những khán giả như mình. Vevo xuất hiện và khiến việc tìm nghe và xem các video âm nhạc mới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cái tên Vevo hồi đó xuất hiện dày đặc và phổ biến đến mức người ta không khỏi thắc mắc rằng đây là một thế lực như nào mà có thể chi phối bản đồ âm nhạc sâu rộng đến vậy.
Tuy nhiên, ngày nay, sau gần 14 năm kể từ khi Vevo được cho ra mắt, nếu không chủ động thì chúng ta sẽ không thấy cái tên Vevo xuất hiện nhiều như trước nữa. Vậy thì Vevo là gì và nguyên nhân cho sự biến mất của dịch vụ chia sẻ video âm nhạc này là gì? Hãy cùng mình đi tìm lời giải qua bài viết này nhé!
Tổng quan
Khởi nguồn của Vevo
Người khởi xướng cho ý tưởng xây dựng một dịch vụ chia sẻ video âm nhạc là Doug Morris, bấy giờ là CEO của hãng đĩa Universal Music Group (UMG). Một ngày nọ, trong một lần đến thăm người cháu ruột, vị CEO này đã hết sức bất ngờ khi được người cháu giới thiệu về một dịch vụ mới mà cậu và các bạn cùng lứa vẫn hay dùng để tìm và nghe nhạc trực tuyến: YouTube. Các video trên các dịch vụ này thường là do người dùng trực tiếp đăng tải lên, do đó thường có chất lượng thấp và không đồng nhất. Tuy nhiên, gần như tất cả các bài hát nổi tiếng của bất kì nghệ sĩ nào đều có thể được tìm thấy dễ dàng trên dịch vụ này chỉ với vài cú pháp. Chiều hôm đó, khi mà cậu bé còn đang say sưa cùng giai điệu của bài In Da Club (50 Cent, một nghệ sĩ dưới trướng của chính UMG), thì Morris lại đặc biệt chú tâm tới các mẩu quảng cáo được hiển thị khắp video.

Ngay ngày hôm sau, Morris triệu người cộng sự thân tín của mình là Zach Horowitz cho một cuộc họp khẩn. Vị CEO này sau đó đã hoàn toàn bị sốc khi biết rằng UMG không nhận được một đồng tiền quảng cáo nào từ các dịch vụ chia sẻ video này. Một tối hậu thư ngay sau đó đã được UMG tức tốc gửi tới YouTube và các dịch vụ khác như Yahoo hay MTV.com với yêu cầu: hãy chia sẻ lợi nhuận quảng cáo, bằng không toàn bộ hàng chục nghìn video âm nhạc của nghệ sĩ trực thuộc UMG sẽ phải được gỡ xuống.
Trước động thái cứng rắn của UMG, YouTube không còn lựa chọn nào khác ngoài thoả hiệp. Họ thừa hiểu rằng một dịch vụ chia sẻ video non trẻ với chỉ gần 2 năm đi vào hoạt động không thể tồn tại và cạnh tranh với các đối thủ nếu thiếu đi những video âm nhạc - mảng trọng yếu thu hút đa số người xem. Rất nhanh chóng, một thoả thuận hợp tác và chia sẻ lợi nhuận quảng cáo giữa UMG và YouTube đã được thống nhất, đổi lại cho việc các video có thể tiếp tục được chia sẻ trên dịch vụ này
Quá trình chuẩn bị cho Vevo
Thoả thuận với YouTube mới chỉ là bước đầu cho siêu dự án mà Doug Morris từ lâu đã ấp ủ. Ngay từ đầu, vị CEO này đã tham vọng xây dựng một nền tảng nội dung độc lập dành riêng cho các video âm nhạc mà không phải phụ thuộc vào bất kì bên thứ ba nào.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu này, từ năm 2008, Morris đã chỉ đạo UMG tổng hợp lại và xây dựng một thư viện đồ sộ với hơn 45,000 video âm nhạc của các nghệ sĩ trực thuộc UMG.
Ngoài ra, cùng với kinh nghiệm của một lãnh đạo có hơn 40 năm kinh nghiệm gắn bó với ngành công nghiệp âm nhạc, Morris thừa hiểu rằng ông không thể xây dựng được đế chế video âm nhạc của mình chỉ với các nghệ sĩ trực thuộc UMG. Khi đó, ông cùng Rio Caraeff (phó chủ tịch của eLabs, công ty con của UMG) quyết tâm đi thuyết phục các hãng đĩa lớn khác cùng hợp tác chia sẻ nội dung. Bộ đôi này nhanh chóng nhận được cái gật đầu từ hai ông lớn khác là Sony Music Entertainment (SME) và EMI (trước thời điểm được UMG mua lại năm 2012) và cả hãng đĩa A2IM chuyên về dòng nhạc Indie. Ông lớn còn lại là Warner Music Group (WMG) thì lại từ chối vì họ đã có dự định phát triển một nền tảng riêng cùng với MTV.

Bên cạnh việc đảm bảo về nội dung, Morris còn thành công trong việc giúp Vevo kêu gọi vốn khi nhận được một khoản tiền đầu tư không được tiết lộ từ Abu Dhabi Media Co với mức định giá 300 triệu đô la vào tháng 10/2009.
Và cứ như vậy, mọi công đoạn chuẩn bị cho siêu dự án của Doug Morris dần hoàn tất.
Vevo chính thức được ra mắt công chúng
Doug Morris chính thức giới thiệu Vevo, dự án con cưng của mình, đến với công chúng vào ngày 8/12/2009. Để quảng bá cho sự kiện này. Morris đã cho tổ chức một bữa tiệc hạng sang có sự tham gia của những ngôi sao hạng A nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ như Mariah Carey, Taylor Swift, Justin Bieber, Rihanna, và Justin Timberlake. Cũng tại chính sự kiện này, đích thân Morris đã cho kích hoạt và giới thiệu trang web chính thức của Vevo. Trang web này sau đó bị sập gần như ngay lập tức do lượng truy cập quá lớn.
Tuy nhiên, Doug Morris không có nhiều lí do để phiền lòng. Những ngày sau đó lượng người truy cập dịch vụ Vevo không hề suy giảm mà trái lại còn liên tục tăng. Chỉ vỏn vẹn một tháng sau khi ra mắt, dịch vụ này đã thu hút tổng cộng 35 triệu lượt xem, bỏ xa tất cả các đối thủ bấy giờ như AOL, Myspace hay MTV Networks. Không còn nghi ngờ gì nữa, Vevo là một thành công lớn, là một cuộc cách mạng thật sự theo đúng như tên gọi “Video Evolution” của dịch vụ này.
Mô hình hoạt động của Vevo
Về cơ bản, Vevo đơn thuần là một đơn vị phát hành các video âm nhạc được các hãng đĩa tham gia mạng lưới (UMG, SME, EMI và A2IM) uỷ quyền. Các video âm nhạc vẫn sẽ được sản xuất bởi chính các hãng đĩa nhằm quảng bá cho các sản phẩm mới của các nghệ sĩ mà không có bất kì sự tham gia nào từ phía Vevo. Thay vào đó, các video khi hoàn tất sẽ được đăng tải trên các nền tảng của Vevo, bao gồm website và kênh YouTube chính thức. Mục tiêu của dịch vụ này đó là trở thành một cửa ngõ và điểm đến không thể thiếu dành cho các tín đồ âm nhạc.
Bên cạnh đó, Vevo còn hỗ trợ các nghệ sĩ tạo ra các kênh Vevo cho riêng mình như là một nơi để cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc mới nhất. Các kênh Vevo nghệ sĩ này thường được tạo bằng việc kết hợp ‘tên nghệ sĩ’ cùng đuôi ‘Vevo’. Do đó, hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ đều sở hữu các kênh riêng cho mình như TaylorSwiftVevo, JustinBieberVevo, v.v… Điều này trực tiếp góp phần phổ biến và mang thương hiệu Vevo đến gần hơn với công chúng. Đây cũng chính là lí do vì sao mà vào khoảng những năm 2009 - 2013 chúng ta chứng kiến sự thống lĩnh gần như tuyệt đối của Vevo khi cái tên này xuất hiện dưới hầu hết các video âm nhạc thời kì của thời kì này.

Doanh thu của Vevo sẽ chủ yếu đến từ hoạt động quảng cáo. Ở đầu mỗi video âm nhạc sẽ thương bao gồm mà đoạn quảng cáo (pre-roll) dài 30 giây. Vevo sau đó đem bán đấu giá khung thời gian quảng cáo này cho các nhãn hàng có nhu cầu quảng bá sản phẩm và dịch vụ của họ. Bên cạnh đó, trong các đoạn video quảng cáo còn được tích hợp các đường dẫn link tới các trang web khác. Điều này giúp Vevo có thể hưởng lợi kép từ tiền hoa hồng mỗi khi người dùng nhấn vào đoạn link hoặc hoàn thành một hành động kì vọng (như đăng ký hay mua sản phẩm)
Hoạt động quảng cáo mang lại cho Vevo nguồn thu khổng lồ. Lấy ví dụ, Baby (Justin Bieber) là một trong những bài hát nổi tiếng nhất trên Vevo, với hơn một tỉ lượt xem. Người ta ước tính rằng chỉ riêng video này đã giúp Vevo thu về tổng cộng hơn 30 triệu đô la mỹ chỉ từ doanh thu quảng cáo thuần.
Xét rộng hơn, sự xuất hiện của Vevo cũng góp phần mang đến một cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp âm nhạc (đúng như tên gọi “Video Evolution) và thay đổi cái nhìn của các hãng đĩa về các video âm nhạc. Như trước đây, các video âm nhạc chỉ đơn thuần được coi như một phần của chiến lược marketing, là một công cụ để hỗ trợ việc quảng bá các sản phẩm âm nhạc mới nhằm bán được nhiều đĩa nhất có thể. Nếu xét riêng thì các video này hoàn toàn không mang lại lợi nhuận và sẽ bị bỏ xó khi nghệ sĩ kết thúc đợt quảng bá (chỉ mang tính thời vụ). Tuy nhiên, với Vevo, Doug Morris đã thành công trong việc biến những video âm nhạc tưởng chừng chỉ là chi phí này này trở thành những cỗ máy kiếm tiền khổng lồ. Các hãng đĩa có thể trực tiếp hưởng lợi từ mỗi lượt xem mới và các video cũng có thể được dễ dàng tìm kiếm và xem lại mọi lúc, mọi nơi, kể cả rất lâu sau thời gian quảng bá. Qua đó, từ chỗ là hoạt động ít được lưu tâm, các video âm nhạc ngày càng được các hãng đĩa chăm chút và đầu tư nhiều hơn. Điều này cũng giúp các video âm nhạc trở nên ngày càng chất lượng hơn, đồng thời trở thành một phần quan trọng cho trải nghiệm âm nhạc của khán giả.
Vevo và tham vọng phát triển hệ sinh thái độc lập
Sau những năm đầu gặt hái được nhiều thành tựu lớn, thời kì những năm sau đó đánh dấu tham vọng chuyển mình của Vevo nhằm xây dựng nên một nền tảng và hệ sinh thái độc lập, dần tách mình khỏi YouTube.
Bắt đầu từ năm 2011, Vevo lần lượt cho ra mắt ứng dụng riêng trên điện thoại Android (tháng 1) và iOS (tháng 8). Chỉ trong vòng hai tháng đầu sau khi ra mắt, ứng dụng Vevo đã có hơn 3 triệu lượt tải về từ App Store. Khi đấy, dù vẫn chỉ còn là một công ty với vỏn vẹn 120 nhân viên nhưng Vevo đã thu được tổng cộng 3.7 tỉ lượt xem trên mọi nền tảng (chỉ tính riêng tháng 11/2011), 13 triệu lượt tải ứng dụng và hơn 150 triệu đô la doanh thu.
Tháng 3/2013, Vevo tiếp tục cho ra mắt Vevo TV - kênh phát sóng video âm nhạc 24/7 - trên nền tảng web và điện thoại. Vevo cũng mạnh tay đầu tư và phát triển các nội dung nguyên bản liên quan tới âm nhạc như các video hậu trường, phỏng vấn, hay các buổi biểu diễn trực tiếp, v.v… với hơn 100 nội dung được bật đèn xanh chỉ trong năm 2014.
Ngày 7/12/2015, Vevo cho mua lại ShowYou, một nền tảng tổng hợp video từ San Francisco, nhằm phát triển nền tảng nội dung trả phí (subscription) cạnh tranh với Spotify và YouTube Red. Vài tháng sau, Vevo giới thiệu nhiều thay đổi lớn khi thiết kế lại toàn bộ nền tảng (website, ứng dụng Vevo và Vevo TV) hay tích hợp thêm với các dịch vụ như Spotify và Twitter để tăng trải nghiệm cá nhân cho người dùng. Nền tảng của Vevo cũng dần hoạt động giống như một mạng xã hội, hỗ trợ người dùng tạo trang cá nhân và kết nối với bạn bè nhằm theo dõi hoạt động và lịch sử nghe nhạc của họ.
Thách thức, khó khăn, và sự trì trệ
Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tiếp đốt tiền cho công cuộc xây dựng nền tảng độc lập thì hầu hết các thử nghiệm của Vevo đều không mang lại nhiều tiếng vang như kì vọng.
Chi phí để sản xuất các nội dung mới và duy trì Vevo cũng ngày càng tăng. Trong khi đó, phần lớn doanh thu lại chảy trực tiếp vào túi của YouTube, rồi một phần còn lại lại phải chia đều cho các hãng đĩa. Do đó, trên thực tế Vevo chỉ có thể thu về được 10% lợi nhuận - một hạn chế lớn cho tham vọng bành trướng và phát triển độc lập của dịch vụ chia sẻ video âm nhạc này.
Mối quan hệ hợp tác giữa YouTube và Vevo cũng có nhiều thay đổi đáng kể sau gần 10 năm. YouTube, với sự hậu thuẫn của Google, không còn là một tay mơ ngày nào nữa mà đã trở thành một gã khổng lồ với doanh thu hàng năm hơn vài chục tỉ đô. Dịch vụ này cũng không còn bị phụ thuộc vào Vevo nữa khi mà các nội dung đã trở nên đa dạng, phong phú, và gây nghiện với người dùng hơn rất nhiều. Trong khi đó, Vevo lại ngày càng trở nên phụ thuộc vào YouTube, khi có tới 80% lưu lượng trên tổng cộng 17 tỉ lượt xem đến trực tiếp từ dịch vụ chia sẻ video này (tính đến tháng 1/2016). Đó là chưa còn kể đến việc YouTube đã đầu tư 50 triệu đô la để đầu tư và mua lại chính 10% cổ phần của Vevo vào năm 2013. Chính những điều này đã khiến vị thế của Vevo trên bàn đàm phán trước YouTube sa sút rất nhiều.
Ngoài ra, thượng tầng của Vevo cũng chứng kiến nhiều thay đổi. Doug Morris, cha đẻ của dịch vụ này thì đã rời UMG để chuyển sang SME ngay từ năm 2011. Vị CEO lâu năm Rio Caraeff, người từng đồng hành cùng với Doug Morris thời kì đầu, cũng đã sớm rời vị trí từ năm 2014 - một động thái được cho là do tiềm năng bán lại Vevo cho một bên thứ ba nhằm thu về một khoản tiền thưởng khổng lồ trở nên ngày càng mong manh. Việc mất đi những con người đặt nền móng từ những ngày đầu dường như khiến Vevo không còn mặn mà với tham vọng xây dựng đế chế riêng của mình, nhất là khi thị trường ngày càng xuất hiện nhiều cái tên mới và giàu tiềm lực như Spotify và Apple Music. Do đó, việc CEO Huggers thông báo Vevo ngừng phát triển dịch vụ trả phí và chỉ tập trung vào việc cải thiện phần mềm và phát triển các nội dung mới vào tháng 2/2017 có thể được coi như là một động thái ngầm khẳng định điều này.
Cái kết được dự báo trước
Và rồi điều gì đến cũng phải đến. Tháng 1/2018, Vevo thông báo về một thoả thuận mới được thống nhất với YouTube, mang đến nhiều thay đổi lớn, đặc biệt liên quan đến hoạt động kinh doanh quảng cáo. Cụ thể, Vevo sẽ uỷ quyền cho YouTube trực tiếp bán các khung thời lượng quảng cáo đến các nhãn hàng. Điều này giúp cho Vevo có thể tinh giản bộ máy bán hàng của họ và cắt giảm chi phí.
Tiếp sau đó, ngày 27/3/2018, YouTube chính thức giới thiệu tính năng Official Artist Channel - kênh trang chủ dành riêng cho các nghệ sĩ, nơi cập nhật liên tục và đầy đủ các thông tin liên quan đến nghệ sĩ như lịch trình biểu diễn, tuyển tập các sản phẩm âm nhạc, và cả các video âm nhạc. Qua đó, các video âm nhạc của nghệ sĩ trên YouTube, dù được phát hành bởi chính nghệ sĩ hay người hâm mộ, sẽ đều có thể được tìm và xem trực tiếp trên các kênh chính thức này.

Theo cơ chế này thì nhu cầu sở hữu kênh Vevo riêng của các nghệ sĩ trở nên hoàn toàn không cần thiết. Dưới góc độ của khán giả, thay đổi này gần như không đáng kể vì họ chỉ quan tâm duy nhất đến việc tìm nghe các video âm nhạc của nghệ sĩ, còn việc điều này được thực hiện trên kênh YouTube Taylor Swift hay Taylor Swift Vevo hoàn toàn không đáng để lưu tâm. Trong khi đó, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, thay đổi này gần như đánh dấu chấm hết cho kỉ nguyên thống trị thị trường nhạc số của thương hiệu Vevo. Các khán giả từ đây cũng sẽ không còn thường xuyên bắt gặp cái tên Vevo dưới mỗi video âm nhạc của các nghệ sĩ nữa.
Và cuối cùng, chỉ vài ngày sau khi YouTube ra mắt dịch vụ YouTube Music, ngày 24/5/2018, Vevo thông báo khai tử trang web và ứng dụng riêng. Quyết định này cũng chính thức đánh dấu chương cuối cho tham vọng phát triển nền tảng riêng của Vevo. Thay vào đó, họ sẽ chỉ tập trung thuần vào việc phát hành video âm nhạc các nghệ sĩ và một số nội dung âm nhạc như live session hay các bài phỏng vấn. Cái tên Vevo cũng bắt đầu lui dần về phía hậu trường từ đây
Bàn luận về thất bại của Vevo
Khi nhìn lại, thất bại trong việc hiện thực hoá tham vọng xây dựng nền tảng và hệ sinh thái độc lập của Vevo là điều có thể hiểu được. Điều này có thể đến từ nhiều yếu tố như:
Khó khăn về huy động vốn để đua đường dài
Nhu cầu thực tế của người dùng còn hạn chế
Sự lọc lõi của chính YouTube và Google
Thứ nhất, âm nhạc và nội dung số là một lĩnh vực tiêu tốn rất nhiều tiền. Không nói đâu xa, đến cả dịch vụ dẫn đầu thị trường như Spotify những năm gần đây vẫn luôn chật vật trước thách thức hoà vốn và gia tăng lợi nhuận, phải mở rộng qua cả các lĩnh vực khác (như podcast) nhằm tiếp cận tệp khách hàng mới và kiếm thêm nguồn thu. Trong khi đó, việc Vevo quá phụ thuộc nguồn thu vào các video âm nhạc, trong khi các nội dung nguyên bản khác đều không có nhiều sức hút khiến cho thách thức này càng lớn hơn bội phần. Hơn nữa, khi mà mô hình liên kết hiện tại qua YouTube vẫn đang là cỗ máy kiếm tiền hiệu quả, thì thật khó để thuyết phục lãnh đạo các hãng đĩa tiếp tục đốt tiền nhằm cạnh tranh với các dịch vụ nhiều tiềm lực và tham vọng hơn như Spotify và YouTube.
Thứ hai, nhu cầu thực tế từ thị trường cho một dịch vụ độc lập dành riêng cho các video âm nhạc là không cao như những gì Vevo kì vọng. Thật khó để yêu cầu người dùng trả phí cho các video âm nhạc khi mà vẫn còn đó một YouTube hoàn toàn miễn phí cùng với lượng nội dung khổng lồ. Nhu cầu xem các video âm nhạc của khán giả là không thể phủ nhận. Nhưng ngược lại, các hãng đĩa cũng cần những video âm nhạc đến với công chúng để mang lại nguồn thu cho họ. Và thật khó có nơi nào có thể giúp họ tiếp cận được nhiều người dùng nhất có thể tốt hơn YouTube.
Thứ ba, và cuối cùng, có lẽ là ngay từ đầu Vevo đã không có nhiều lựa chọn. Rốt cục, dưới vai trò là bên hỗ trợ phát hành video âm nhạc, họ cũng chỉ là một bánh răng trong ngành công nghiệp âm nhạc này, còn chính YouTube và các hãng đĩa mới là những người chơi chính. Và mọi thứ có lẽ cũng đã diễn ra đúng như kịch bản mà YouTube mong đợi nhất. Đầu tiên, họ cần hợp tác để biến Vevo thành cỗ máy kiếm tiền và khiến cho các hãng đĩa không còn lí do gì để gỡ các video khỏi YouTube hay chuyển sang một dịch vụ chia sẻ video khác nữa. Tuy nhiên, và quan trọng nhất, họ cũng phải đảm bảo rằng dịch vụ này không quá thành công đến mức trở thành một điểm đến tốt hơn so với chính YouTube. Nói một cách ví von thì YouTube (và Google) đã vỗ béo Vevo trong nhiều năm để chờ đến ngày dịch vụ này không còn lợi thế gì trên bàn đàm phán này nữa. Và thời điểm đó đã đến - như chúng ta biết - vào năm 2018.
Ngày nay, tức 5 năm sau khi Vevo rút lui về phía hậu trường, chúng ta có thể vẫn dễ dàng tìm thấy được những kênh Vevo của nghệ sĩ trên YouTube. Kênh YouTube chính thức của Vevo hiện có hơn 20 triệu lượt đăng kí theo dõi vẫn là một điểm đến thú vị dành cho những người yêu nhạc, nơi đăng tải những video phỏng vấn, reaction, hay live session của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, với thế hệ khán giả đại chúng thời nay, thật khó để họ có thể hình dung được đế chế này đã từng có một quá khứ oanh liệt như thế nào. Dấu ấn của Vevo trên bản đồ âm nhạc vẫn còn đó, nhưng với một vị thế và vai trò khiêm nhường hơn rất nhiều.

Bài viết tham khảo và tổng hợp từ nhiều nguồn
Sách
Witt, S. (2015). How Music Got Free
Bài báo
https://techcrunch.com/2009/10/30/we-catch-our-first-fleeting-glimpse-of-vevo-on-youtube/
https://venturebeat.com/social/vevo-the-webs-mtv-is-winning-the-music-wars/
https://www.ft.com/content/7a26870a-2bb5-11e1-98bc-00144feabdc0
https://www.rollingstone.com/music/music-news/universal-labels-and-googles-youtube-reach-deal-for-new-video-service-93156/
http://web.archive.org/web/20230208184118/www.wired.com/2007/11/mf-morris/
https://www.reuters.com/article/music-us-google-universal-idUKTRE53864C20090409
https://www.sonymusic.com/sonymusic/vevo-partners-with-abu-dhabi-media-company/
https://www.rollingstone.com/pro/news/vevo-to-shut-down-site-giving-in-to-youtube-empire-627650/
https://productmint.com/what-happened-to-vevo/#:~:text=Vevo%20Shut%20Down%3F-,Vevo%20shut%20down%20its%20apps%20as%20well%20as%20website%20because,the%20majority%20of%20its%20lifetime.